Employer Branding là gì?
10/07/2020 viết bởi Nhu Do  

Mỗi ngành nghề đều có các thuật ngữ, cụm từ chuyên dụng mà nếu là người trong ngành, chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của nó. Với ngành tuyển dụng, chúng ta có employer branding là một cụm từ khá khổ biến. Hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu:

  • Employer branding là gì?
  • Người chịu trách nhiệm cho employer branding (thương hiệu tuyển dụng) là ai?
  • Thương hiệu tuyển dụng (Employer brand) VS Thương hiệu công ty (Company brand)
  • Lợi ích việc sở hữu thương hiệu tuyển dụng mạnh
  • Chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng có thể thực hiện như thế nào?

Với cách giải thích đơn giản, câu từ ngắn gọn, bài tìm hiểu về employer branding dưới đây chắc hẳn sẽ giúp những anh/ chị/ bạn đang theo làm việc hoặc học chuyên ngành nhân sự dễ dàng hiểu thuật ngữ này cũng như nhanh chóng vận dụng được cách xây dựng thương hiệu tuyển dụng chuyên nghiệp vào doanh nghiệp của mình.

Employer branding là gì?

Employer brand (thương hiệu tuyển dụng) là ấn tượng của người khác về môi trường làm viêc, chuyện tuyển dụng, làm việc tại một công ty, doanh nghiệp. Nói cách khác, thương hiệu tuyển dụng là cách mọi người cảm nhận về giá trị của công ty và môi trường làm việc.

Xây dựng thương tuyển dụng (employer branding) là tất cả những gì doanh nghiệp đang làm (dù vô tình hay cố ý) để quảng bá hình ảnh đặc trưng của mình đến người tìm việc và các ứng viên tiềm năng.

Ở đây nhấn mạnh cụm từ “dù vô tình hay cố ý” là vì doanh nghiệp không thể hoàn toàn điều khiển hướng nghĩ của xã hội về thương hiệu tuyển dụng của mình (thông qua những chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu). Thương hiệu tuyển dụng của công ty có thể được hình thành thông qua trải nghiệm thực tế của ứng viên. Ví dụ:

  1. Ứng viên không nhận được hỗ trợ tận tình từ nhà tuyển dụng, có trải nghiệm tệ vào ngày phỏng vấn sẽ có nhận xét tiêu cực về thương hiệu tuyển dụng của công ty. (Và họ chắc chắc sẽ lan truyền trải nghiệm tồi tệ đó đến người khác).
  2. Nhân viên được cấp trên thấu hiểu, văn phòng làm việc cung cấp đủ tiện nghi, phúc lợi công việc xứng đáng với công sức họ bỏ ra, được HR quan tâm và hỗ trợ… ắt hẳn họ sẽ hài lòng với công việc, sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm tích cực đó đến gia đình, bạn bè. Từ đó, củng cố hình ảnh tốt đẹp hơn về thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp. 

Người chịu trách nhiệm xây dựng employer branding (thương hiệu tuyển dụng) là ai?

Thông thường, nhân sự (HR) là đội đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi nói về vấn đề chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Và thật vậy, HR là đội chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Tuy nhiên, thương hiệu tuyển dụng không phải là thứ ta có thể chọn để thể hiện ra cho ứng viên hay người tìm việc. Thương hiệu tuyển dụng là những gì bạn đang thực sự có. Và thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp được định hình bởi không chỉ HR mà còn từ rất nhiều con người khác của tổ chức:

  • Người sáng lập hoặc chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành và tất cả nhân sự điều hành cấp C: Những người có tầm nhìn chiến lược cho công ty và đặt ra các giá trị doanh nghiệp mà họ muốn củng cố.
  • Quản lý trực tiếp của các phòng ban: Lãnh đạo, đánh giá và đào tạo kĩ năng, nghiệp vụ cũng như con người của các thành viên trong đội, nhóm của họ.
  • Đội HR: Thiết lập quan hệ thân thiết, cởi mở giữa các nhân sự công ty và xây dựng những chính sách nhân sự phù hợp.
  • Đội marketing, truyền thông: Đưa những hình ảnh, câu chuyện, con người… của doanh nghiệp ra bên ngoài (thông qua phương tiện truyền thông xã hội, sự kiện, v.v.)

Tuy nhiên, nếu từng bộ phận hoạt động hoặc lên ý tưởng riêng lẻ sẽ không thể xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho doanh nghiệp. Đội marketing có thể đưa ra những ý tưởng mới lạ như linh hoạt giờ làm, “biến tấu” lại phòng phỏng vấn, góc nghỉ ngơi tại văn phòng… nhưng nếu cấp quản lý không duyệt hoặc HR không muốn thực hiện vì nghĩ đó không phải là điều cần thiết cho nhân sự của mình thì ý tưởng phát triển thương hiệu tuyển dụng đó sẽ không bao giờ được thực thi (!?)

Chung quy lại, để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng mạnh, tất cả cần phối hợp làm việc cùng nhau.

Thương hiệu tuyển dụng VS Thương hiệu công ty

Vẫn thường có những nhầm lẫn giữa thương hiệu tuyển dụng (employer brand) và thương hiệu công ty (company brand). Hai khái niệm này, thoạt đầu tưởng như là một nhưng giữa chúng có những khác biệt nhỏ:

Thương hiệu tuyển dụng (employer brand) chỉ ấn tượng của ứng viên, người tìm việc về doanh nghiệp.

Ví dụ:
Quy trình tuyển dụng như thế nào, người tuyển dụng ra sao, có bao nhiêu vòng tuyển dụng, thời gian phản hồi kết quả phỏng vấn, người tuyển dụng có tôn trọng/ chăm sóc tốt cho ứng viên không…

Thương hiệu công ty (company brand) chỉ ấn tượng nói chung của người khác (có thể là khách hàng, đối tác, người tiêu dùng, phần lớn xã hội…) về doanh nghiệp.

Ví dụ:
Coca Cola: màu đỏ – trắng, nước giải khát
Google: 4 màu xanh dương – đỏ – vàng – xanh lá
Apple: quả táo cắn dở, Steve Jobs, iphone, ipad…

Nói tóm lại, khi nói về employer brand, chúng ta chỉ tập trung nói đến cảm nhận, trải nghiệm của ứng viên, người tìm việc về nhà tuyển dụng.

Tuy định nghĩa khác nhau nhưng employer brand và company brand vẫn tác động lẫn nhau. Một công ty có thương hiệu lớn, tốt sẽ tạo ấn tượng về môi trường làm việc chuyên nghiệp. Và một thương hiệu tuyển dụng tệ (coi thường ứng viên, bóc lột sức lao động của nhân viên…) sẽ dễ dàng lâm vào tình trạng bị người dùng tẩy chay hoặc bị ảnh hưởng đến cơ hội mở rộng kinh doanh, hợp tác với các doanh nghiệp khác.

Xem thêm: Digital Transformation – Chuyển đổi số là gì?

Lợi ích việc sở hữu thương hiệu tuyển dụng mạnh

Để dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của thương hiệu tuyển dụng, hãy nhìn vào các công ty có thương hiệu tuyển dụng mạnh, nổi tiếng (Coca, Pepsi, Unilever…). Họ luôn:

– Nhận đơn xin việc mà không phải chi tiêu quá nhiều: Các ứng viên chủ động nộp hồ sơ vào các công ty mà họ biết và tin rằng đó là một môi trường làm việc tốt.

– Giảm thời gian tuyển dụng, vì các ứng viên có nhiều khả năng chấp nhận lời mời làm việc từ một công ty có uy tín tích cực.

– Giữ nhân viên gắn bó với công ty lâu hơn: Người lao động luôn coi trọng nơi làm việc lành mạnh và ở lại các công ty nơi họ có cơ hội thăng tiến tốt.

– Thu hút các tài năng hàng đầu về với công ty/

Chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng có thể thực hiện như thế nào?

Điều đầu tiên (và có lẽ cũng là điều quan trọng nhất) là bạn phải là người tuyển dụng tốt; tiếp sau đó là lan tỏa tinh thần cũng như sự thấu hiểu của mình đến người khác. Để trở thành một nhà tuyển dụng giỏi, bạn cần đối xử tử tế với tất cả các ứng viên cũng như người quan tâm đến công việc, dù bạn có quyết định tuyển họ hay không. Sau đây là một số gợi ý để xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho doanh nghiệp:

– Thiết kế quy trình tuyển dụng công bằng, trong đó tất cả những người tìm việc đều có cơ hội tuyển dụng như nhau bất kể kinh nghiệm, kĩ năng hay trình độ học vấn.

– Tôn trọng thời gian của ứng viên bằng cách đánh giá họ một cách khách quan và trả lời, cung cấp thông tin kịp thời đến họ.

– Linh động trong chính sách công ty để đảm bảo tất cả nhân viên cảm thấy thoải mái, được tôn trọng và có giá trị trong công việc.

– Thực thi các chính sách thưởng chuyên cần, thưởng hiệu suất công việc nhằm thúc đẩy nhân viên gắn bó với công việc; tạo thời gian cho họ cân bằng công việc với cuộc sống cá nhân.

– Xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp, để nhân viên có thể phát triển kỹ năng và phát triển chuyên nghiệp trong công ty của bạn.

Song song với việc tạo môi trường làm việc thân thiện cho người lao động, các đội HR có thể thiết kế những chiến dịch phát triển thương hiệu tuyển dụng của mình bằng cách:

– Chia sẻ hình ảnh về không gian làm việc của bạn và các sự kiện diễn ra tại nơi làm việc trên các kênh social media.

– Tạo thêm mục nghề nghiệp/ chuyện công ty trên trang web của doanh nghiệp nhằm tổng hợp, lưu trữ các bài “đinh” về doanh nghiệp (ngày làm việc, giới thiệu nhân sự công ty, chia sẻ của nhân sự về công ty, các bài báo nói về công ty…) Phần lớn các ứng viên sẽ tham khảo trang web, blog của doanh nghiệp khi họ có ý định làm việc cùng bạn.

– Khuyến khích nhân viên (thông qua video, lời chứng thực, bài đăng trên blog, v.v.) chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc độc đáo của họ khi làm việc tại công ty (đây cũng là một cách giúp bạn hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của nhân viên, cho họ cảm giác được chia sẻ, thấu hiểu và giúp họ đạt được nó).

– Tổ chức các sự kiện tuyển dụng trực tiếp tại văn phòng/ nơi làm việc (career day hoặc office tour day) – người quan tâm đến công ty, người tìm việc có thể nhìn thấy cận cảnh môi trường làm việc.

Kết

Xây dựng thương hiệu tuyển dụng là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự chân thành, thấu hiểu, đoàn kết từ tất cả các bộ phận của doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu tuyển dụng không phải là truyền thông ra bên ngoài một môi trường làm việc hay những đồng đội đáng mơ ước nhưng bên trong lại mục ruỗng, thiếu gắn kết. Nói dễ hiểu hơn, thương hiệu tuyển dụng, trước tiên cần phản ảnh được thực tế cách làm việc của doanh nghiệp rồi từ đó phát triển cái hay của mình thành nét riêng biệt và thay đổi dần những bất cập bên trong. Chỉ có làm như vậy thì thương hiệu tuyển dụng mới vững bền và tạo được lòng tin cho ứng viên, người tìm việc.

Theo workable.com

Chia sẻ:
logo
Hotline: 0899 183 193
Email: hotro@viec.co
Trụ sở: Tầng 1, Toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Block 71, Số 72 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
© VIEC.CO Co. Ltd - CÔNG TY TNHH VIỆC CÓ
logologo
Hotline: 0899 183 193
Email: hotro@viec.co
Trụ sở: Tầng 1, Toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Block 71, Số 72 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
logo
logologo
© VIEC.CO Co. Ltd - CÔNG TY TNHH VIỆC CÓ