Vốn khởi nghiệp
30/09/2018 viết bởi Canh Phan  

Hôm nay gặp một anh xe ôm. Anh là trường hợp thứ 3, thứ 4 tâm sự với mình về việc làm anh kinh doanh thất bát, rồi cuối cùng anh chạy xe trả nợ. Anh bữa nay trả cho một quán nhâu mà mở ở Bình Dương. Thân hơn một chút, mình hỏi thế sao anh bại. Anh kể đại loại gồm việc anh không có vốn, anh thiếu kinh nghiệm, và một cái anh bảo là chẳng hiểu tại sao. Cái lý do cuối thì anh nói thêm, tụi nó cũng làm giống anh đó, mà chả hiểu sao lại kiếm được. Có vẻ nhìn lại, anh đúc rút không dưới ba lần về chuyện: “Em ạ, làm gì cũng cần có vốn”. Hàm ý ở đây là tiền. Anh nói vậy đúng, nhưng mà chưa đủ. Và vì cái đúng, chưa đủ này, nên nhiều người đã không thành công, hoặc chẳng bao giờ dám bắt đầu mở cái quán hay cái sự kinh doanh đầu tiên của mình.

Thực ra, khởi đầu cái gì, trong tay ta luôn bốn cái vốn, với mức độ to – nhỏ khác nhau tương đối.

Cái vốn đầu tiên là kiến thức và kinh nghiệm. Đó là cái ta đã rèn giũa nhiều trong một khoảng thời gian nhất định và được xã hội công nhận – trả tiền cho nó. Hãy tưởng tượng như kiểu mình là một người giao hàng. Giao hàng được cho ngon, thì cũng cần rất nhiều kĩ năng. Đó là phân tuyến, xếp hàng vào thùng sao cho nhiều mà lại dễ lấy. Xong rồi gọi điện sao cho Khách hàng thấy dễ chịu thuyết phục và nhận hàng thành công để mình vượt chỉ tiêu thưởng. Nói là vốn đáng kể, vì thật sự người giỏi và người không giỏi cách nhau rất xa. Người giỏi, vừa khéo léo nói chuyện nhẹ nhàng với khách hàng, mà dứt khoát, không mất thời gian, sẽ giao được nhiều. Một người giao hàng giỏi có thể làm gấp đôi, gấp ba một anh mới học nghề. Cái vốn này, giúp mình có làm gì hơi mạo hiểm, mình có cũng có đường lùi. Mình biết là mình đã từng sống ổn trong xã hội này.

Tất nhiên, để khởi nghiệp thì không chỉ cần vốn về cái kĩ năng đã giúp mình kiếm tiền. Nói về chuyện mở quán chẳng hạn. Mở quán thì chạy xe và mài giũa kinh nghiệm chạy xe không là không đủ. Tất nhiên, phần kĩ năng chiều khách có thể dùng lại được. Nhưng vậy thôi thì vẫn chưa đủ. Vậy để bù đắp vào thì có thể:

  1. Đi quan sát thực địa, nhìn vào bố trí bàn sao, bao nhiêu người chạy bàn, bao nhiêu đứng bếp, một mặt bằng vậy vậy, thì khoảng bao nhiêu bàn ghế, bao nhiêu khách vào ngồi… Khách vào ngồi lâu không?
  2. Hỏi bạn bè, cũng làm quán ra sao, nguồn hàng lấy đâu?
  3. Đi làm thử, ví dụ, xin một chân chạy bàn hoặc trông xe cũng được. Cái này có lẽ là tốt nhất. Nhất là trong một thời đại công việc cho phép linh hoạt như bây giờ. Ví dụ, bạn có thể xin đi làm quán 1 ca, xong cái thì chịu khó chạy thêm xe ôm. Cực đó, nhưng ít nhất, nếu bạn lo lắng về thu nhập, thì đây là cách vẫn đảm bảo. Ở đây lưu ý cái, là anh em không nhậu thử liên tục, và coi đó là học nhé. Say rồi, chỉ nhớ mỗi khúc lảo đảo thôi, chứ còn chi tiết ai làm gì – như thế nào rất khó.

Cách 3., là đầu tư chút, nhưng nếu nghĩ là chắc chắn mình muốn mở, thì quá trình đi làm thử có thể hi sinh thu nhập trong ngắn hạn, nhưng sau này sẽ giúp mình đỡ va vấp khúc làm thật.

Cái vốn tiếp theo là vốn xã hội.

Vốn xã hội có thể giúp ta có tiền hoặc nguồn lực khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp nghĩa là từ người thân – gia đình, bạn bè ta có thể vay. Tất nhiên, khi họ cho vay, thì mức độ tín nhiệm của mình với anh chị em ra sao cực kì quan trọng. Anh em tin mình vì trước giờ mình nói gì làm nấy, thì sẽ tín nhiệm, và khả năng khoản vay lớn hơn. Hoặc là mọi người thấy trước giờ mình làm gì cũng chăm chỉ cần mẫn, cũng thấy tin hơn hay nhiều khi là cả thương hơn nữa. Nên thật ra nếu vốn Kinh nghiệm – Kiến thức mà tốt, vốn này khả năng cũng tốt lên. Gián tiếp nghĩa là từ gia đình, bạn bè sẽ có khách hàng. Ai giới thiệu cho mình khách hàng đầu tiên ngoài người thân nếu họ thấy phù hợp. Họ lại chẳng sẵn sàng ăn, rồi góp ý không công cho bạn ý chứ.

Và mình sẽ kể cho các bạn câu chuyện không thể thật hơn, khi bác dâu mình hồi đầu mở quán, được bà chị cả “nói cứng” kiểu: “Mày nấu đi, bán không hết, bưng qua. Tao ăn hộ.” Nghe được vậy là bác mình làm tới. Cứ còn dư năm bảy tô là khệ nệ từ quận 11 bưng qua quận 2 cho bà chị ăn. Xong rồi, bà ngoại mình thấy thương hai bác lắm. Lùi xùi, gửi vào nghe đâu chục triệu để cầm cự mấy lúc khó. Lụi cụi, vậy vậy mà cuối cùng sau khoảng 3 – 4 năm, từ 5 – 7 tô bún bò, lên cả trăm tô một ngày. Còn giờ cứ đều đều, trên dưới 200 tô bún rồi. Cái vốn ban đầu nó quý lắm, nó nhiều khi là cả sự động viên và tình người nữa. Với rất nhiều người, vốn xã hội là cái quan trọng nhất, và nó là cái đi với mình lâu bền nhất.

Thứ ba là vốn sức khỏe.

Làm gì cũng cần sức khỏe. Chẳng phải mà mọi người cứ nói sức khỏe là vàng. Bạn thấy đó, vàng tăng giá rất nhanh, giá rất cao. Hẳn cái quý như vàng là một loại vốn quan trọng. Cái này rõ như ban ngày. Nói như gợi ý ở trên về làm hai việc, một chính một phụ để một cái học – một kiếm ăn, một cái để học, nào có dễ nếu không đủ khỏe mạnh và ý chí. Nói chung, cái này trời phú một phần, nhưng một phần rất lớn là ở mình. Ở cái ý thức của mình giữ gìn sức khỏe đến đâu. Ví dụ, nhiều anh xe ôm rất cẩn thận, đi đâu cũng đem theo bình nước rất lớn, nai nịt gọn gàng – đem theo cái gác điện thoại, dòm bản đồ cho an toàn. Nói chứ, cứ vừa dòm điện thoại, vừa nhìn đường, có thể là sai một ly, đi bệnh viện ý. Có sức khỏe, là có thể còn làm được tiếp, và thử ít thì một, không thì cũng một vài cái mới. Không có sức khỏe, thì thôi rồi.

Bốn là tiền.

Tiền là cái vốn cuối cùng mình nhắc đến. Vì như bạn thấy ở trên, cuối cùng cái vốn tiền nó cũng có thể được xoay ra bởi cả ba loại vốn trên. Nó là điều cần, chứ không phải điều kiện đủ. Đúng là làm gì cũng cần tiền. Nhưng có phải tiền ở mỗi trong túi mình đâu. Nhiều khi anh em bạn bè, tin và quý mình, muốn mình thành công, mỗi người góp một tay một chân là hòm hòm đủ cái quán rồi. Cái đáng lo, là mình cầm cục tiền trong tay, mà chẳng biết bắt đầu từ đâu, và bắt đầu như thế nào ý chứ. Và như vậy, có cầm bao tiền, cũng sẽ trôi sạch thôi. Minh chứng cho ca đây, là rất nhiều người trúng vé, nhiều tiền lắm, mà cuối cùng vẫn có cái kết buồn về tài chính cho họ.

Tiền, quan trọng, nhưng không phải là tất cả để bắt đầu.

Vậy đó, các bạn nhớ nhé. Mình nhẩm chuyện gì khi nhẩm về về chuyện mở quán. Đó là không phải có mỗi tiền. Đó là Kinh nghiệm – kiến thức, là vốn xã hội, là sức khỏe, và cuối cùng mới là tiền.

Chia sẻ:
logo
Hotline: 0899 183 193
Email: hotro@viec.co
Trụ sở: Tầng 1, Toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Block 71, Số 72 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
© VIEC.CO Co. Ltd - CÔNG TY TNHH VIỆC CÓ
logologo
Hotline: 0899 183 193
Email: hotro@viec.co
Trụ sở: Tầng 1, Toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Block 71, Số 72 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
logo
logologo
© VIEC.CO Co. Ltd - CÔNG TY TNHH VIỆC CÓ