Tại sao chúng ta không nên “ngoan”
07/10/2018 viết bởi Canh Phan  

Ngoan là gì?

Ngay từ nhỏ, từ “ngoan” đã được xây dựng một tiêu chuẩn để phấn đấu tới. Cuộc đời chúng ta từ nhỏ, và có khi cả cho tới lớn, đều xoay quanh cái chữ này.

  • Làm xong cái gì, “đúng truyền thống” và đạo lý, ta lại được khen “ngoan nhỉ”
  • Đi học, từ hồi mẫu giáo, nghe lời cô là được thưởng “phiếu bé ngoan”. Phiếu bé ngoan, thì được dán trang trọng trên một cái bảng ở nhà, đôi khi còn được cho hẳn vào khung kính.
  • Cái bảng “Con ngoan trò giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ” được gắn vào hầu hết các lớp học hoặc sân trường
  • Hình tượng “con nhà người ta” cũng thường là “ngoan” & “học giỏi”.

Với những điều kiện như vậy, có lẽ không đứa trẻ nào lại không “phấn đấu” tới cái chuẩn mực “ngoan” này.

Nhưng có thật, hành trang “ngoan” sẽ đem lại cho ta một tương lai tốt, như bố mẹ ta thật sự kì vọng.

Để đánh giá được việc này, cần xem xét hai khía cạnh

  1. Vậy bản chất của ngoan là gì, việc thấm nhuần “ngoan” ảnh hưởng thế nào tới cách suy nghĩ của chúng ta?
  2. Vậy con “ngáo ộp” hiện tại & tương lai trông nó hòm hòm thế nào?

Trước tiên vậy Ngoan là gì và nó hay được sử dụng trong hoàn cảnh nào:

Ngoan, theo từ điển, nghĩa là dễ bảo, biết nghe lời người trên.

Các tình huống sử dụng ngoan, muôn hình vạn trạng, sống động như ngôn ngữ của chúng ta vậy, nhưng cũng có thể tóm tắt trong một vài tình huống sau đây.

  1. Đó là một dạng phần thưởng
    Cứ nhìn vào “phiếu bé ngoan”, giải thưởng “cháu ngoan Bác Hồ”, hoặc làm đúng cái gì đó theo ý các cụ, chúng ta sẽ nhận được một cái nhìn âu yếm, kèm theo “ngoan quá”. Vậy là từ nhỏ tới lớn vừa, xung quanh chúng ta luôn phấn đấu tới một cái từ “ngoan” – một sự dễ bảo, biết vâng lời người trên.
  2. “Ngoan nào” như một mệnh lệnh, một yêu cầu và phần lớn thiếu đi phần “tại sao”
    Con đang làm AbcXyz, bố mẹ không ưng cái bụng sẽ thường kiểu “ngoan nào, không abcxyz nữa xem nào”. Thường thế là hết, ít khi nào bố mẹ giải thích thêm cái việc đó tại sao lại là “không ngoan”, hay đúng hơn phải là, tại sao cái đó là một cái gì đó không phù hợp, không có ích. Nói như ngữ văn nhà mình, đó là những câu cầu khiến mệnh lệnh, hơn là những lập luận. Và bạn biết đấy, cũng có phải cái gì cũng giải thích được đâu. Nhiều khi bố mẹ cũng đuối lý, chỉ đơn giản là “con phải ngoan”, mà thật sự mình cũng không hiểu cái lý lẽ đằng sau việc nên/ không nên làm việc gì đó. Vậy là lâu dài, “ngoan” đã trở thành một logic.
  3. Thể hiện sự lễ phép, tôn trọng bậc trên.
    Ví dụ, gặp ai đó quen biết hoặc họ hàng trên đường, bố mẹ thường nhắc “Con chào chú Xxx đi”. Giõng giạc, các bé thường “Con chào chú XXX”. Chú XXX thường, giỏi, con ngoan lắm. Cái sự tôn trọng người lớn, nghe lời người lớn, là một nét đẹp tương đối của Á Đông nói chung. Nhưng kèm theo đó, nó không khác một biểu hiện ngầm của việc, người lớn (tuổi hơn) sẽ là người đúng, hoặc mình luôn cần tôn trọng. Và cái tôn trọng này nhiều khi có phần lất lướt cả sự bình đẳng trong giao tiếp, trong công việc. Bạn nào đi làm rồi, hẳn sẽ cảm nhận được phần nào cái sự ngầm định rằng “tuổi tác” nhiều khi đồng nghĩa với “em phải nghe anh/ chị”.

Vì vậy, từ nhỏ, khi được tiếp xúc với một từ “ngoan” với một ý nghĩa cũng mù mờ vậy, chúng ta thường khó mà thật sự hiểu được nó. Và với đặc tính hướng tới việc được bố mẹ – người thân yêu thương nhiều nhất, một cách tự nhiên, đứa trẻ sẽ phát triển một kỹ năng – một nếp nghĩ để hướng tới gặt hái nhiều nhất chữ “ngoan” này, để làm hài lòng bố mẹ nó (để nó được yêu thương nhiều hơn). Quá trình này, có thể được tóm tắt với logic kiểu như:

  • Nếu bố mẹ bảo “không ngoan”, thì đưa vào danh sách “không làm”
  • Nếu bố mẹ bảo “ngoan”, thì đưa vào danh sách “nên làm”, “tiếp tục phát huy”

Đương nhiên, những thích ứng này của trẻ nhỏ, khả năng cao sẽ cho ra đời một thanh niên xu hướng nghe lời, hơn là một con người có chính kiến và khả năng bảo vệ chính kiến. Dễ hiểu thôi, cái gì bạn không được rèn luyện, nó sẽ không hình thành, hoặc nó sẽ cùn mủn. Ở một trường hợp khác, khi đứa trẻ dần nhận ra cái lập luận đằng sau “ngoan” thường yếu ớt, nó sẽ bùng nổ theo hướng, “con thích thì con làm thôi”, và cũng như cách nó được dậy, cái “thích thì làm” chẳng được hỗ trợ bởi một lập luận hay giá trị cốt lõi đằng

Tại sao bố mẹ muốn con ngoan

Trước khi đi vào phần, vậy thì nếp nghĩ “ngoan” ở trên có gì là sai. Ta hãy thử đi sâu hơn và lý giải tại sao bố mẹ ta lại kì vọng ta ngoan.

Nếu các bạn, cũng như tôi, là kẻ sinh vào thế hệ tầm 8x – 9x, thì bố mẹ ta sẽ sinh ra vào tầm 5x và 6x. Sinh ở thế hệ này, bố mẹ chúng ta lớn lên trong thời bao cấp, được nhà nước lo lắng và chu cấp theo các chuẩn. Với hầu hết các bậc phụ huynh, việc vào nhà nước, có một cuộc sống ổn định (biết trước thu nhập), là một tương lai vững chắc. Vậy thì nhà nước thời đó như thế nào? Cơ bản cũng là các cán bộ “ngoan”, hay được dùng với một cụm từ khác, phù hợp đối tượng người lớn – đi làm hơn là “mẫn cán”. Những cán bộ mà tôn trọng cấp trên là tuyệt đối. Rõ ràng, rất nhiều bố mẹ chúng ta đã sống ổn với lựa chọn này, được trọng vọng trong xã hội, đã nuôi được chúng ta khôn lớn. Theo tiêu chuẩn của thế hệ các cụ, họ là những người cũng tương đối thành công. Và có bố mẹ nào, không thương con, không muốn con mình thành công, hay có một cuộc sống ổn định. Như một sứ mệnh của bậc cha mẹ, họ đơn giản là truyền lại kinh nghiệm của mình, những đúc rút của mình. Đúc rút của họ, ngắn gọn là từ “ngoan”.

Vậy thì “ngoan” có hại sao trong thời đại này

“Ngoan” một thời có giá trị của nó. Nhưng nó đã không còn đúng nữa, nếu không muốn nói, đó là một sự chuẩn bị tồi cho tương lai. Điều này đến từ hai động lực của thay đổi trong nền kinh tế Việt Nam nói riêng & thế giới nói chung.

Động lực thứ nhất, đến từ sự đổi thay nền kinh tế Việt Nam, chuyển mình từ thời bao cấp sang thời “kinh tế thị trường”.

Tính đến giờ, bao cấp đã qua được khoảng 30 năm. Khác với bao cấp – kế hoạch hóa, kinh tế thị trường – đồng nghĩa với sự năng động, liên tục thích ứng với sự đổi thay của bối cảnh kinh doanh.

Lựa chọn trở thành một công chức, hay một nghề nghiệp ổn định (như giáo viên), chỉ là một phần rất nhỏ trong các lựa chọn. Hãy cứ nhìn, tổng số công chức nhà nước mình chỉ tầm 1 triệu người, chúng ta có tới 50 triệu lao động. Vậy thì đó chỉ là khoảng 2% lựa chọn. Chưa kể, mỗi năm, liệu từ 1 triệu việc làm này, họ cần bao nhiêu người thay thế trong 1 triệu này, trong một bối cảnh các đơn vị hành chính nhà nước ngày một hướng tới hiệu quả, tức là “giảm biên chế”.

Vậy phần lớn lựa chọn của các bạn sẽ là đi vào các đơn vị kinh tế. Và ở đây cũng đã có những sự lột xác, thay đổi mang tính lột xác. Nền kinh tế của chúng ta không còn “kế hoạch” nữa.  Thay th vào đó, nó được quyết định bởi “cung” – “cầu” thị trường và sự năng động của mỗi doanh nghiệp – cá nhân. Vì vậy, phương pháp làm việc theo chỉ đạo cấp trên, theo “sự mẫn cán”, theo “sự nghe lời”, theo một cái tiêu chuẩn từ tấm bé “ngoan” dường như trở nên lạc lõng. Bạn sẽ có vị cấp trên nào đảm bảo “sự ngoan” của mình là kèm theo một cuộc sống an bình – như bố mẹ đã đem lại, chỉ có khả năng linh hoạt, xoay sở, kĩ năng cứng của bạn, mới giúp bạn tự lo cho mình một cách đàng hoàng.

Động lực thứ hai đến từ việc sự biến đổi của thế giới giờ ngày một nhanh chóng.

Các đột phá công nghệ, bên cạnh mặt tích cực của nó làm đời sống tiện nghi hơn, đã khiến không kỹ năng của con người trở nên “lỗi thời”. Theo báo Economist47% các công việc của ngày hôm nay sẽ chẳng còn từ một tới hai thập kỉ tới. Và đây đã trở thành một lo lắng thực sự, khi bạn vào Google chỉ mới gõ “Máy móc th…” thì nó tự gọi ý tiếp “Máy móc thay thế con người”¹. Rất có thể kỹ năng bạn xây đắp hôm nay, ngày mai hay một vài năm nữa là đã được “tự động hóa”. Vậy hãy tự hỏi liệu lời khuyên từ người thân: “Con nên vào tài chính – ngân hàng, hay kinh tế – đối ngoại, hay “kỹ sư điện”…” có còn phù hợp.” Liệu những kỹ năng bạn tích lũy được trong trường lớp, mà thể theo nguyện vọng của cha mẹ, có theo được nguyện vọng của “nền kinh tế”. Hay bạn, mới phải là người chịu trách nhiệm chính cho quyết định của đời mình về lựa chọn hướng đi cho bản thân.

Đến đây, liệu bạn có thấy rằng mình nên dạy con ngoan, hay ở góc độ một người trẻ, bạn có nên trở thành một đứa con ngoan. Một câu hỏi mở cho phần này, hay là thay vì hướng tới “ngoan”, chúng ta nên hướng tới những tiêu chuẩn mới là một là Sự tôn trọng và Hai là khuyến khích khả năng lập luận & phản biện, và ba là tự chịu trách nhiệm. Tôn trọng này có cả hai chiều, tức là bậc con cháu thì tôn trọng cha mẹ, và ngược lại. Khuyến khích khả năng lập luận, phản biện để chúng ta có khả năng đánh giá các lựa chọn, biết đâu là những điều hợp lý. Để chúng ta không mù quáng, đi theo một xu hướng nhất thời. Để trong công việc hàng ngày, chúng ta lý giải được cái tại sao của mỗi cái mình làm. Và điểm cuối cùng, tự chịu trách nhiệm, vì khi bạn đã được khuyến khích phản biện, được tôn trọng khi ra quyết định, bạn sẽ học cách chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Và có lẽ, ngoan, nên được thay thế bởi ba giá trị này.

¹ Nếu tìm theo tiếng Anh, điều này vô cùng rõ nét khi mới gõ “Will machines…” là nó đã tự gợi ý tiếp “replace human”, hoặc “takes my job” tương ứng nghĩa là “thay thế con người” hoặc “lấy việc làm của tôi”

Chia sẻ:
logo
Hotline: 0899 183 193
Email: hotro@viec.co
Trụ sở: Tầng 1, Toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Block 71, Số 72 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
© VIEC.CO Co. Ltd - CÔNG TY TNHH VIỆC CÓ
logologo
Hotline: 0899 183 193
Email: hotro@viec.co
Trụ sở: Tầng 1, Toà nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Block 71, Số 72 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
logo
logologo
© VIEC.CO Co. Ltd - CÔNG TY TNHH VIỆC CÓ